Tuy chỉ là một loại cỏ nhưng cỏ nến hay còn gọi là cây bồn bồn đã khẳng định được ví trí của mình trong đời sống và kinh tế của người dân Cà Mau, đặc biệt ĐBSCL.
Bồn bồn là loại thực vật sống vùng đất ngập nước, phát triển trong ao hồ hoặc mé sông, nơi có dòng chảy chậm, có khả năng chịu phèn mặn, có khả năng chịu ngập sâu đến 1 m.Được xem là cây dại mọc hoang nhưng những năm gần đây người dân Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau và Bạc Liêu đã trồng bồn bồn trong ao nuôi tôm, cá nước ngọt.
Trước đây, ở Cái Nước, Cà Mau, cây bồn bồn khá hiếm vì toàn diện tích được trồng lúa hai vụ. Từ sau năm 2000, khi chuyển dịch sang nuôi tôm, loài cây này mới được trồng lại. Trong 6 tháng nước lợ, trên những vuông tôm là bạt ngàn bồn bồn. Cây bồn bồn chỉ hấp thụ dưỡng chất từ trong đất, không cần bón phân thuốc hoá học.
Bắt đầu từ tháng 5, khi mùa mưa ở miền Tây bắt đầu thì bồn bồn tươi tốt. Từ thời điểm này đến hết mùa mưa, nông dân miền Tây chăm bón cho ruộng bồn bồn để thường xuyên thu hoạch cọng non.
Bồn bồn nổi tiếng với nhiều món ăn như dưa bồn bồn, bồn bồn nhúng lẩu, canh chua, bồn bồn xào tôm, làm gỏi, thậm chí có thể ăn sống.
Bồn bồn nhổ từ ao đầm mang về chặt bỏ phần lá dài, giữ lại từ gốc lên khoảng 30-35cm rồi sau đó tách ra lấy lõi non bên trong. Ngâm nước vo gạo với ít muối, sau 1 tuần là ăn được. .
Dưa bồn bồn là loại đặc trưng đã làm nên thương hiệu của vùng đất Cà Mau, không lẫn vào các loại dưa khác.
Nếu bạn có dịp về Cà Mau, theo Quốc lộ 1, đoạn xã Tân Hưng Ðông, huyện Cái Nước sẽ thấy hai bên đường có những mái chòi bằng lá. Ðó là những căn chòi được người dân dựng lên để bán bồn bồn.
Dưa bồn bồn ăn ngon khi kèm với mắm ruốc Cà Mau hay ăn cùng cá kho tộ hay thịt heo kho tàu, vị bồn bồn chua nhẹ, ngon giòn. Món ăn này hiện không thể thiếu trong các nhà hàng miền Tây vì được xem là đặc sản của vùng đất Nam Bộ.
Đăng nhận xét