Cách Hà Nội 140km về phía Tây theo quốc lộ 2, trong lưu vực sông Chảy thuộc địa phận huyện Yên Bình và một phần huyện Lục Yên, Thác Bà là tên gọi hồ nước nhân tạo được khởi công xây dựng từ năm 1962 và hoàn thành năm 1970 với mục đích làm nghẽn dòng sông Chảy tạo ra hồ nước phục vụ cho công trình nhà máy thủy điện Thác Bà.
VIÊN NGỌC GIỮA ĐẠI NGÀN
Nguyên trước khi đắp đập làm hồ, trong khu vực hồ Thác Bà hiện nay đã từng tồn tại hai thác nước liên hoàn với dòng nước đổ mạnh và chảy xiết, được người dân địa phương gọi là “thác Ông” - “thác Bà”.
Sau này khi hình thành hồ thủy điện, cả hai thác này đều bị vùi sâu trong lòng hồ. Để lưu danh những thác nước nổi tiếng gắn với niềm tin thánh tín của người dân địa phương nay chỉ còn trong ký ức, hồ đã được đặt tên “Thác Bà”. Tên “Thác Ông” cũng được đặt cho một cây cầu gần đó.
Hồ Thác Bà - viên ngọc giữa đại ngàn – Ảnh: Thanh Miền (nguồn yenbai.gov.vn)
Vào thời điểm xây dựng, hồ Thác Bà là một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, nguồn cung cấp nước cho nhà máy thủy điện Thác Bà - công trình thủy điện đầu tiên của Việt Nam. Ngoài dòng sông Chảy là nơi cung cấp nguồn nước chủ yếu, hồ Thác Bà còn nhận thêm nguồn nước từ hệ thống ngòi lớn như ngòi Hành, ngòi Cát…, làm tăng lượng phù sa và phong phú các loài sinh vật.
Đánh bắt tôm, cá trên hồ Thác Bà – Ảnh: Trọng Thanh (baoanhdatmui.vn)
Với chiều dài 80km, chiều rộng nơi lớn nhất 30km, diện tích 23.400ha trong đó diện tích mặt nước 19.050ha, hồ Thác Bà có sức chứa 3 - 3,9 tỉ mét khối nước, mực nước dao động từ 46 - 58m, đã góp phần rất lớn vào việc cải tạo và điều hòa môi trường, làm giảm nhiệt độ mùa Hè 1 - 2ºC, tăng độ ẩm tuyệt đối vào mùa khô lên 20% và lượng mưa từ 1.700 - 2.000mm, tạo điều kiện duy trì thảm thực vật xanh tốt quanh năm.
Bông súng nở đẹp trên đầm lầy hồ Thác Bà – Ảnh: nguồn Phạm Ngọc Bằng Blog’s
Không chỉ là một thắng cảnh hùng vĩ, hồ Thác Bà còn là một di tích lịch sử quan trọng. Tại đây vào năm 1285 đã diễn ra trận Thu Vật do Trần Nhật Duật chỉ huy đánh tan một đạo quân Nguyên - Mông. Ở vùng thượng hồ còn có một số nơi là cơ sở hoạt động của các cơ quan trung ương thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Giữa hồ Thác Bà có động Mông Sơn là nơi Tỉnh ủy Yên Bái làm việc trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Tại khu vực hồ thuộc huyện Lục Yên có nhiều di tích lịch sử như đền Đại Cại, hang Ma mút, chùa São, núi Vua Áo Đen… Các nhà khảo cổ đã phát hiện tại đây những dấu vết của người Việt cổ.
Lặng lẽ hồ Thác Bà – Ảnh: nguồn ditichlichsuquocgia.violet.vn
Với những giá trị độc đáo cả về cảnh quan và lịch sử, hồ Thác Bà đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận di tích lịch sử danh thắng cấp quốc gia theo quyết định số 2410/QĐ-VH ngày 27-9-1996.
TIỀM NĂNG VÀ TRIỂN VỌNG
Là một hồ nước mênh mông với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hồ Thác Bà được ví như vịnh Hạ Long trên núi cao của vùng Tây Bắc. Điểm làm nên giá trị của hồ Thác Bà là trong lòng hồ có đến 1.334 đồi đảo lớn, nhỏ chiếm đến 4.350ha. Cảnh quan sơn thủy hữu tình cùng hệ thống hang động ẩn sâu trong những dãy núi đá vôi đã biến hồ Thác Bà thành một trung tâm du lịch sinh thái đầy tiềm năng.
Hồ Thác Bà - vịnh Hạ Long trên núi – Ảnh: vietnamplus.vn
Dòng sông Chảy cùng hệ thống các ngòi lớn như ngòi Hành, ngòi Cát… đã hào phóng bồi đắp phù sa nuôi dưỡng những bản làng trù phú ven hồ. Quanh khu vực hồ Thác Bà hiện có đến 13 tộc người gồm Tày, Nùng, Mông, Dao, Phù Lá, Cao Lan… sống trên triền núi hoặc ven hồ. Các cư dân vẫn giữ được nét hoang sơ cùng bản sắc văn hóa độc đáo với những tập tục, truyền thống, lễ hội mang giá trị nhân văn sâu sắc.
Du khách tham quan làng Ngòi Tu - Vũ Linh – Ảnh: Mạnh Toàn (yenbai.gov.vn)
Đến với hồ Thác Bà, du khách có thể dong thuyền lênh đênh trên sóng nước, hòa mình cùng với thiên nhiên và cảm nhận bầu không khí mát mẻ trong lành. Sau khi mãn nhãn với điệp trùng núi đảo giữa mênh mông trời nước, du khách có thể ghé thăm động Thủy Tiên, động Xuân Long, núi Cao Biền, núi Chàng Rể, đền Thác Ông, đền Thác Bà…, khám phá những cánh rừng nguyên sinh hoặc ngược dòng sông Chảy đến với đất Ngọc Lục Yên thăm hang chùa São, đền Đại Cại, bình nguyên xanh Khai Trung… mang đậm những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Tày, Dao…
Du khách tại bến thuyền Khu du lịch Ruby – Ảnh: Trịnh Văn Bộ (Báo ảnh Việt Nam)
Tham quan hồ Thác Bà, du khách không thể không ghé thăm công trình đập thủy điện cao hàng trăm mét sừng sững vươn từ dãy núi Chàng Rễ sang tận chân núi Cao Biền, là niềm tự hào của người dân Yên Bái. Ngay phía trên đập là ngôi đền Thác Bà hay còn gọi Mẫu Thác Bà dựa vào lưng núi Hoàng Thi. Đứng từ sân đền, du khách có thể phóng tầm nhìn bao quát đập thủy điện và cả một vùng trời nước mênh mông với thiên nhiên hùng vĩ của vùng đất giao thoa giữa miền Tây Bắc và Trung du Bắc bộ…
Công trình đập thủy điện Thác Bà – Ảnh: skd268 (nguồn vnphoto.net)
Không chỉ mang giá trị về môi sinh và cảnh quan, hồ Thác Bà còn có nguồn lợi thủy sản to lớn với hàng ngàn tấn cá, tôm thu hoạch mỗi năm. Du khách đến đây sẽ có dịp biết đến văn hóa ẩm thực lòng hồ với nhiều món ngon dân dã mà cũng rất tinh tế của đồng bào các dân tộc như cơm lam, nộm hoa chuối rừng, thịt gà nấu măng chua hay gỏi cá, nộm tôm… Những món ăn đặc sản hồ được chế biến khéo léo từ các loài thủy sản đặc trưng vùng hồ như Ba ba, cá Lăng, cá Chiên, cá Quả, cá Tầm… sẽ đem lại cho du khách những trải nghiệm lý thú.
Du khách tại khu du lịch cộng đồng Ngòi Tu – Ảnh nguồn yenbai.gov.vn
Trong những năm gần đây, thắng cảnh vùng hồ Thác Bà được đánh giá là điểm đến hấp dẫn nhưng việc khai thác du lịch còn chưa tương xứng với tiềm năng… Ngoài khu du lịch cộng đồng Ngòi Tu ở Vũ Linh, khu du lịch Tân Hương, khu du lịch sinh thái Ruby, các dịch vụ đưa đón, phục vụ khách của các hộ dân, một vài nhóm văn nghệ không chuyên ở Yên Thành, Xuân Lai sẵn sàng biểu diễn phục vụ khách tham quan, và ở quy mô lớn hơn là các hoạt động “khám phá Thác Bà” trong Chương trình “Du lịch về cội nguồn” phối hợp ba tỉnh Yên Bái - Phú Thọ - Lào Cai, các thành công của việc nghiên cứu, trồng cây phủ vùng bán ngập…, thực tế nơi đây chưa thể hiện nét nổi bật và còn hạn chế về các loại hình dịch vụ cũng như cơ sở hạ tầng.
Khu du lịch Tân Hương tại hồ Thác Bà – Ảnh: Thiên Cầm (nguồn baoyenbai.com.vn)
Nhận rõ điểm yếu cơ bản, hiện tỉnh Yên Bái đang triển khai xây dựng khu du lịch trung tâm hồ Thác Bà với tổng diện tích quy hoạch 206ha, bao gồm các khu chức năng như trung tâm đón tiếp - điều hành, khu vui chơi giải trí, khu khách sạn - dịch vụ - thương mại, khu nghỉ sinh thái, khu tháp viễn thông và thể thao mạo hiểm… Hy vọng trong tương lai gần, hồ Thác Bà sẽ trở thành điểm đến xứng tầm, đáp ứng niềm kỳ vọng của du khách yêu mến cảnh quan thiên nhiên, sông nước hữu tình giữa núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, nên thơ…
Đăng nhận xét