0
Cuối năm 1941, sau khi ra khỏi nhà tù của thực dân Pháp, ông Nguyễn Sinh Khiêm đã đi khắp quê hương Nam Đàn tìm nơi có phong cảnh đẹp để an táng hài cốt của mẹ là bà Hoàng Thị Loan. Ông Khiêm đã chọn được một vị trí ở núi Động Tranh trong dãy Đại Huệ, thuộc làng Hữu Biệt (nay là xã Nam Giang) huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Đứng ở vị trí này, thấy bao quát cả một vùng rộng lớn bao gồm cả huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Đức Thọ, Hương Sơn là những nơi có nhiều di tích lịch sử, văn hoá nổi tiếng.

 Vị trí này cũng chỉ cách quê hương cụ Nguyễn Thị Kép (bà ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh) ở làng Kẻ Sía, xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên chưa đầy 2km. Đặc biệt từ vị trí này nhìn về phía Tây Nam khoảng 5km là xã Kim Liên gồm 7 làng: Kim Liên, Hoàng Trù, Ngọc Đình, Mậu Tài, Vân Hội, Nguyệt Quả, Tỉnh Lý đều ở quanh núi Chung, trông rất ngoạn mục.
Một ngày lành đầu tháng 3 năm Nhâm Ngọ (1942), ông Nguyễn Sinh Khiêm biện lễ trầu rượu đến xin phép lý trưởng làng Hữu Biệt (nay là xã Nam Giang) rồi dẫn hai cha con ông Nguyễn Luật và Nguyễn Luận lên đào 9 huyệt rải rác ở khắp sườn núi Động Tranh. Đêm về khuya, một mình ông Khiêm lặng lẽ khấn vái thổ thần rồi đặt hài cốt bà Hoàng Thị Loan xuống một trong 9 huyệt đã đào sΩn, lấp đất lại. Sáng hôm sau, hai cha con ông Luật chỉ việc lấp đất thêm vào cả 9 huyệt cho bằng như cũ. Như vậy, hài cốt bà Hoàng Thị Loan đưa từ vườn nhà ở làng Kim Liên lên núi Động Tranh được táng bí mật, kể cả hai cha con ông Luật cũng không biết cụ thể ở chỗ nào.
Sau Cách mạng Tháng Tám, sau khi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội (3/11/1946), ông Nguyễn Sinh Khiêm mới chỉ cho bà con trong họ biết chính xác vị trí ngôi mộ bà Hoàng Thị Loan.

Ngày 5/7/1983, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ Tĩnh ra Nghị quyết 03/NQ.TU tôn tạo, nâng cấp khu mộ bà Hoàng Thị Loan. Ngày 19/5/1984, Đảng bộ, nhân dân Nghệ Tĩnh và lực lượng vũ trang Quân khu IV tổ chức lễ khởi công. Chỉ một năm sau, công trình được hoàn thành. Ngày 16/5/1985, khu mộ được khánh thành, đón khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm ngưỡng.

Để đáp ứng nhu cầu thăm viếng của du khách ngày càng cao, ngày 03/12/2001, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An có Thông báo số 161.TB/TU "V/v bảo tồn, tôn tạo Khu Di tích lịch sử văn hoá Kim Liên gắn với phát triển du lịch". Ngày 11/8/2004, UBND tỉnh Nghệ An ra Quyết định số 3006/QĐ.UB.CN phê duyệt Dự án bảo tồn, tôn tạo khu mộ bà Hoàng Thị Loan. Ngày 03/6/2011 tổ chức lễ khánh thành.

Khu mộ bà Hoàng Thị Loan được bảo tồn, tôn tạo rộng 65,2ha Khu mộ có 2 cổng: Cổng đón và cổng kết. Cổng đón để đón khách bắt đầu đi lên khu mộ, cổng kết là nơi tạm biệt khách khi kết thúc quy trình thăm viếng. Chiều dài từ cổng đón đến cổng kết dài 1.260m. Đoạn đường từ cổng đón lên đến mộ bà Hoàng Thị Loan có 269 bậc, từ mộ xuống đến cổng kết có 242 bậc. Trên đường lên và đường xuống được bố trí một số chòi nghỉ, diện tích mỗi chòi rộng 40m2. Đường lên và xuống có phong cảnh hữu tình, mỗi bên là thảm cỏ xanh chạy dọc theo sườn núi, một bên là dãy lan can màu xanh thẫm.

Từ cổng đón đi lên vài trăm mét có ngôi mộ cụ Hà Thị Hy (bà nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh) cũng được tôn tạo đẹp. Đường đi lên từ mộ cụ Hà Thị Hy đến mộ bà Hoàng Thị Loan được đặt 33 đoá hoa sen bằng đá, tượng trưng cho 33 năm của cuộc đời Bà, mỗi đoá sen là một ngọn đèn toả sáng lung linh. Đường từ mộ Bà đi xuống đến cổng kết cũng được bố trí nhiều cây đèn đá.

Sân chuẩn bị hành lễ trước mộ được mở rộng với diện tích là 200m2. Mặt sân và các bậc thang lên xuống được ốp bằng đá tự nhiên, lan can quanh sân được chạm trổ hình hoa sen, trông rất sinh động. Trong khu sân hành lễ có dựng hai tấm bia lớn bằng đá đen, một tấm khắc tiểu sử bà Hoàng Thị Loan, một tấm khắc nội dung quá trình bảo tồn, tôn tạo khu mộ.

Hài cốt bà Hoàng Thị Loan được giữ nguyên tại chỗ như khi ông Nguyễn Sinh Khiêm cát táng năm 1942. Ngôi mộ có hình dáng một bông hoa sen cách điệu. Mái che mộ có kiểu dáng mái đình làng cổ truyền, được cách điệu theo khung cửi dệt vải, lụa, một công cụ lao động tiêu biểu gắn bó với cuộc đời bà Hoàng Thị Loan. Phần mái chính giữa vượt cao hơn mái hai bên, tạo nên sự thông thoáng hài hoà giữa âm và dương. Phần đầu đao trên cũng tượng trưng cho con thoi dệt vải, lụa. Cạnh mộ có hai cụm hoa giấy do tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Bình Trị Thiên trồng vào dịp làm lễ khánh thành khu mộ lần thứ nhất (ngày 16/5/1985) nay được giữ lại, cắt tỉa nghệ thuật cho phù hợp với cảnh quan ngôi mộ vừa mới được tôn tạo.

Phía dưới chân núi Động Tranh có công viên Đại Huệ rộng rãi, thoáng đãng. Cây ăn quả đặc sản trong công viên do các tổ chức của phụ nữ toàn quốc trồng lưu niệm. Dọc theo tuyến đường đi bộ trong công viên được trồng các loại cây có bóng mát do các địa phương biếu tặng.

Từ ngày khánh thành khu mộ lần thứ nhất, Ban Quản lý khu mộ bà Hoàng Thị Loan đã được vinh dự đón tiếp nhiều du khách trong và ngoài nước, các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước như Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Trường Chinh, Tổng Bí thư Trung ương Đảng Nông Đức Mạnh... Trong 5 năm trở lại đây (từ tháng 10/2005 đến tháng 5/2011) có 24.699 đoàn, với 493.980 lượt người, trong đó có 121 đoàn với 614 lượt khách quốc tế ở khắp các châu lục.

Về với khu mộ bà Hoàng Thị Loan, bức tranh thuỷ mặc núi Động Tranh trong dãy Đại Huệ, cùng với cuộc đời tần tảo, thương yêu chồng con hết mực, giàu đức hy sinh cao cả của người mẹ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm say đắm lòng người đến nơi đây.

Cùng với cụm di tích Hoàng Trù, di tích làng Kim Liên, di tích núi Chung và khu mộ bà Hoàng Thị Loan là một quần thể di tích lịch sử văn hoá đặc biệt. Khi được đến tận nơi rồi, cứ muốn nghe thêm những câu chuyện cảm động, say đắm cõi lòng. Khi xa rồi kỷ niệm đọng lại trong tâm trí về một nơi đã hội tụ và toả sáng chất văn hoá đậm đà sắc thái xứ Nghệ trong tâm thức người Việt Nam và cả bạn bè quốc tế.
Lòng ta thanh thản khi đã thực hiện trọn vẹn cuộc hành hương về đây, nghiêng mình kính cẩn dâng nén tâm hương tỏ lòng tri ân người Mẹ Việt Nam Hoàng Thị Loan đã sinh thành và dưỡng dục thiên tài Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Danh nhân văn hoá kiệt xuất thế giới.
(Nguồn: dulichvietnam.com.vn)

Đăng nhận xét

Tour lạ

 
Top