Chùa Phước Kiểng Tự, tọa lạc tại xã Hòa Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp có khuôn viên không lớn cũng không bé, nằm ngoảnh mặt ra hướng bờ sông nổi danh bởi những chuyện lạ về sen, về rùa (quy) và cả chim hạc...
Liên tiếp trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chùa Phước Kiểng Tự có lúc là cơ sở chế tạo vũ khí, khi là nơi hội họp của các cán bộ nòng cốt... Đất nước thống nhất, chùa trở lại bình thường như bao chùa khác. Đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước, chùa bỗng nổi danh bởi những chuyện lạ về sen, về rùa (quy) và cả chim hạc.
Sen "cõng" được người
Đến vùng chợ Nha Mân (Đồng Tháp), nơi nổi tiếng bởi câu "Gái Nha Mân, thuốc Cao Lãnh" hỏi chùa Phước Kiểng có người biết người không. Không phải là vì chùa không nổi tiếng, mà bởi người dân quen gọi chùa với cái tên chùa Sen, nên nhiều người lạ lẫm bởi cái tên thật của chùa. Từ chợ Nha Mân, rẽ trái khoảng 15 cây số sẽ đến chùa.
Hòa thượng Thích Huệ Từ trụ trì chùa Phước Kiểng nói ngôi chùa này vốn dĩ là của bác ruột ông, Hòa thượng Thích Huệ Trí. Năm Thích Huệ Từ lên 8 tuổi đã vào tu ở chùa. Ngày ấy, phía trước chùa có cái ao sen nhỏ, toàn loại sen Bá Biển (hay còn gọi là sen trăm cánh). Rồi nhiều sự biến xảy ra, loại sen Bá Biển được thay bằng một loại sen lạ khác. Cho đến nay, loại sen lạ vẫn chưa có tên, nên ai thích gọi là sen gì cũng được.
Năm 1966, chùa là nơi Tỉnh đội tạm dùng làm xưởng đúc súng đạn để trang bị chống lại quân địch. Có dạo, viên Đại tá ngụy Huỳnh Ngọc Diệp cho máy bay rải truyền đơn và phát loa liên tục kêu gọi người dân di tản để chuẩn bị "làm cỏ" chùa bằng bom. Trước tình cảnh ấy, các sư trong chùa bắt buộc dời tượng đi sơ tán. 3 ngày sau, một trận không kích dữ dội đã khiến san bằng ngôi chùa!
Năm 1970, Hòa thượng Thích Huệ Từ sau thời gian sơ tán đã hồi cư và bắt đầu dựng lại chùa. Chùa được dựng với cột bằng tre gai, lợp mái lá... và tiếp tục là địa điểm bí mật để các cán bộ cách mạng hội họp. Người dân trong vùng tiếp tế cho cách mạng bằng cách mang gạo, đường, hoa quả lấy cớ là đi dâng Phật.
Ngày đất nước thống nhất, Hòa thượng Thích Huệ Từ cho dọn lại các hố bom trong chùa để trồng súng, sen... Thời gian trôi, mãi cho đến cuối năm 1992 (Hòa thượng Thích Huệ Từ nhớ là vào ngày 8/1/1992 Âm lịch - PV), khi nhổ bông súng đi bán, trụ trì phát hiện đóa sen lạ. Lá của loại sen này khác hẳn loài sen hiện có, lá sen dày, có nhiều gai nhọn quanh tán lá. Ngay cả cuống sen cũng có gai, rất sắc. Càng lớn, lá sen càng to. Rồi sen nở hoa.
Hoa sen bên ngoài đỏ thắm, trong có màu trắng tuyết, bề mặt phía dưới hoa sen chứa rất nhiều gai. Hoa sen thay đổi màu tùy theo từng khoảng thời gian trong ngày. Lúc 6 giờ tối sen nở có màu trắng, thơm suốt đêm đến 6 giờ sáng thì khép lại. Đến 12 giờ trưa, hoa sen chuyển sang màu hồng. Khoảng 3 giờ chiều, sen nở lần thứ hai đến 4 giờ thì chuyển sang màu tím nhạt. Từ khoảng 5 đến 6 giờ chiều, sen đổi thành màu hồng. 3 ngày sau, hoa sen chuyển sang màu tím than và bắt đầu tàn.
Đến mùa nước nổi khoảng tháng 9 đến tháng 10 (âm lịch), sen no nước nên phát triển rất nhanh. Hòa thượng Thích Huệ Từ khẳng định, lắm khi lá sen to hơn cả cái nia cho tằm ăn, đường kính khoảng 2,5m, lá rất dày. Một lần, ông lấy tấm ván gỗ lót thử lên lá sen, rồi đứng trên bề mặt tấm ván xem lá sen có chịu nổi trọng lượng của mình hay không. Nào ngờ, vòng ngoài lá sen chỉ uốn lên chút xíu, chứ không chìm.
Nhiều người dân trong vùng nghe tin có loài sen lạ, vội bảo nhau đến... đứng thử. Rồi một đồn mười, mười đồn trăm, phút chốc người dân ở các tỉnh lân cận rủ nhau đi xem sen và chụp ảnh lưu niệm.
Anh xe ôm hôm chở tôi vào chùa, khoe, đến mùa nước nổi, du khách đến xem sen rất đông, khiến cánh xe ôm không thiếu việc. Kêu giá cao bao nhiêu, hét đến đâu khách vẫn đi. Lắm khi, khách này còn cãi nhau với khách kia để tranh đi xe. Đơn giản, đường vào chùa ngày đó chỉ xe ôm mới vào được.
Song song với tin đồn về khả năng sen có thể “cõng" người, còn một tin đồn khác. Nhiều người nói Hòa thượng Thích Huệ Từ xây một khối gạch dưới hồ, rồi lót lá sen lên, chứ bản thân lá sen đụng vào là rách, làm sao có thể "cõng" được người. Nghe chuyện, ông trụ trì già chỉ biết cười buồn.
Số là có vị khách nữ ở tỉnh bạn đến tham quan chùa, thấy lá sen to, thay vì phải lót ván rồi mới đứng lên, vị khách nữ ấy lại thản nhiên mang giày cao gót bước xuống sen, vậy là lá sen rách. Mãi cho đến khi có các vị khách ở Vĩnh Long xuống tham quan chùa, mang theo máy chụp ảnh loại "xịn", Hòa thượng mới nhờ một khách đứng giữa lá sen, các vị khách còn lại thay nhau chụp ảnh để "minh oan".
Thấy loài sen quý hiếm, nhiều nhà nghiên cứu cũng đã lặn lội đến chùa xin đem giống về trồng thử. Loại sen lạ này nghe đâu phải gieo hạt mới sống. Thầy trụ trì nói hạt sen nằm ở trong nhụy sen, hạt thì nhỏ như hạt thanh long, lớn như hạt ổi, có màu trắng tươi, bóp thử thấy rất mềm.
Các nhà nghiên cứu lấy hạt sen, đem phơi khô rồi trộn lẫn hạt với nhiều loại hóa chất khác nhau đem gieo thử nhưng thất bại. Tiếp đến, họ lấy bùn và nước trong ao của nhà chùa về gieo, sen vẫn không nảy mầm. Cứ như sen chỉ có thể mọc ở chùa Phước Kiểng vậy.
Hòa thượng Thích Huệ Từ cho biết thêm, do kinh phí của nhà chùa không đủ để đầu tư, chứ nếu có tiền, ông sẽ thường xuyên cung cấp nước cho sen để xem thử sen sẽ phát triển đến mức nào. Nguyên do sen lạ là loài thực vật "uống" nước nhiều, nên cứ vào mùa khô của vùng Tây Nam Bộ (khoảng tháng 3 âm lịch), nước trong hồ xuống đến mức thấp, sen không phát triển hoặc chết khô. Nếu có lớn, cũng chỉ bằng cái nón lá chứ không đẹp như khi đủ nước.
Đợt mùa khô năm 1998, toàn bộ sen trong chùa chết hết. Thầy trụ trì xót lắm, cứ tưởng là đã tuyệt chủng giống sen lạ, nhưng may thay vào năm sau, sen lại đùng đùng lớn dậy. Hôm chúng tôi vào thăm chùa không phải là dịp nước ròng, nên lá sen chỉ to gần bằng... cái nong dùng cho tằm ăn một chút.
Đáng tiếc, dẫu là loại thực vật có nhiều gai bao bọc, sen vẫn bị ốc bươu vàng tấn công. Nhiều lá sen bị rách nát tả tơi, trên mặt lá còn bám rất nhiều mảng trứng ốc bươu vàng. Chùa nghèo, thầy trụ trì không đủ tiền để ngăn lưới chống ốc bươu vàng, cứu sen.
Một điểm đặc biệt khác, cắt thử cuống để đưa một lá sen lên bờ nhằm xem phần mặt dưới của nó ra sao. Thật bất ngờ, phần dưới lá sen là những khối ô vuông được liên kết với nhau tạo thành. Thầy trụ trì nói chính nhờ những khối ô vuông này nên sen mới có thể chịu trọng lượng khoảng trên 50 kg đặt lên mà không chìm.
Con rùa thông minh Ngoài chuyện sen lạ, chùa Phước Kiểng còn hai linh vật khác rất được khách thập phương mến mộ là quy và hạc. Nói theo kiểu nhà Phật, cả hạc lẫn rùa đã được siêu thoát, hiện nay không còn ở chùa nữa. Rùa hay còn gọi là Quy và được người dân gọi là "ông Quy", về chùa ở với thầy trụ trì từ năm 1948. Quy là loại rùa nước ngọt, con lớn nhất cũng chỉ bằng cái nón lá. Ở chùa gần 20 năm, binh biến xảy ra, chùa sơ tán khẩn cấp, quy cũng thơ thẩn bò ra đường tránh bom đạn. Không may, một người dân gần đấy bắt được quy. Mà cũng ngặt, chùa nằm trong vùng bị đánh phá, quy lại bò ra ngay vùng địch chiếm. Vậy là quy bị bắt. Người bắt được quy khoét mai, lấy dây xích sắt xỏ qua, cột quy vào góc nhà để làm kiểng. Có lần, thầy trụ trì đi ngang, quy nghe hơi, cứ chồm lên đòi bứt dây xích, nhưng bứt thế nào được. Thầy trụ trì nhìn cảnh ấy mà ứa nước mắt. Năm 1970, chùa được dựng lại. Không hiểu làm thế nào mà quy lại có thể tự thoát, tìm đường về chùa. Khi gần đến chùa, quy lại bị bắt lần nữa. Một chị gần chùa bắt quy về giam trong nhà để đòi tiền chuộc. Thầy trụ trì nói, tiền chuộc chị đưa ra là 1.500 đồng, thầy vét hết túi chỉ có 1.000 đồng. Chị nhất định không cho chuộc và đòi mang quy ra chợ bán. May mà khi chị chở quy ngang qua cửa chùa, thầy trụ trì đã kiếm được đúng 1.500 đồng để chuộc quy về. Thế rồi quy ở hẳn trong chùa từ đó. Chuyện như giai thoại. Có lần, tên Mười Phu, trung đoàn trưởng quân ngụy đóng bên kia sông nghe tin chùa có con quy rất khôn, bèn dắt lính mang súng sang "thử thách". Mười Phu nói với thầy trụ trì: "Nghe nói ông có con quy rất khôn, giờ ông bồng nó ra trước sân chùa, nếu nó bò ngược trở vào chùa được thì tui đi. Nó bò lệch đường, tui bắn bỏ, đem về làm mồi nhậu chơi". Thầy kể là lúc nghe tên Mười Phu nói thế, thầy cũng ngại vì không biết quy thông minh đến mức nào. Nhưng tình thế không cho phép thầy làm khác. Quy được mang ra sân chùa, khi đặt quy xuống đất, rất chậm rãi, quy ngước đầu nhìn xung quanh rồi chậm chạp bò vào chùa trước những cặp mắt mở to của bọn lính. Chưa bằng lòng, Mười Phu hạ lệnh cho tên đàn em bắt quy mang ra tận mép sông để thử lần nữa. Lần này, hắn cẩn thận bảo đàn em đắp một con đường bằng bùn dẫn xuống sông với hy vọng quy lâu ngày sống trên cạn, sẽ nhớ nước mà bò theo hướng khác. Ngờ đâu, quy vẫn lặng lẽ quay đầu bò vào chùa. Thấy vậy, tên Mười Phu văng tục rồi dắt lính vượt sông đi về. Nghe đâu, trước khi đi, hắn còn đốt nhang khấn xin trời phật tha tội vì lỡ nói lời xúc phạm linh vật. Hạc hiểu tiếng người Quy ở trong chùa đến năm 1999 thì có bạn. Bạn quy là con hạc được một người dân gần đấy bán cho thầy trụ trì với giá 3,1 triệu đồng. Thầy trụ trì mua hạc với ý định sẽ cắt dây phóng sinh. Ngờ đâu, khi cắt dây, hạc chẳng đi đâu mà chỉ sống quấn quýt trong chùa. Hạc rất hiểu tiếng người. Thầy bảo hạc bay là bay. Bảo vỗ cánh là vỗ cánh. Bảo che sương là lập tức xòe cánh che ngang đầu thầy khi kinh kệ. Có lần, thầy nhờ người ghi lại cảnh hồ sen. Thợ chụp ảnh muốn có hạc cho đẹp, thầy bảo: “Hạc, con đứng trên lá sen để chụp ảnh. Nhưng đừng bấu vuốt chặt quá, kẻo rách lá sen”. Lập tức, hạc đậu rất nhẹ nhàng. Thợ bảo, hạc bay từ trên cao xuống lá sen hình mới đẹp. Thầy truyền lại lời, tức khắc, hạc làm theo. Tiếng đồn về hạc lan nhanh còn nhanh hơn cả gió. Ngay ngày hôm sau, nhiều lượt người kéo vào chùa để xem hạc đứng trên lưng quy nghe thầy tụng kinh. Tiếc thay, hạc ở chùa không lâu. Vài tuần sau, hạc bỏ chùa mà đi. Hình như là có lệnh mang hạc về Trung tâm bảo vệ động vật hoang dã gì đấy. Hạc đi ít lâu, quy cũng mất. Thầy trụ trì tiếc cả hai con vật thông linh, bèn ướp xác quy, đeo vào cổ một chuỗi tràng hạt, đặt trong lồng kính thờ trong chùa. Trên mai quy còn khắc năm vào chùa và ngày mất: 1948 – 29/7/2002. Hai linh vật mất đi, chùa chỉ còn lại loài sen lạ. Mà sen, thì hiện tại cũng đang bị tấn công bởi ốc bươu vàng. Tiếc thay, chuyện bảo vệ sen dường như chưa được mọi người nghĩ là việc chung mà chỉ là việc riêng của chùa. Theo tôi, đây là một trong những loại sen quý nhất nước ta tính đến thời điểm hiện tại, cần phải được chăm bón và trồng thêm ở nhiều nơi |
Đăng nhận xét